Hội nghị xin ý kiến Chuyên gia về chương trình và học liệu ngoại ngữ dành cho sinh viên không chuyên ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế.
Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Trọng Du – Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ; TS. Nguyễn Thị Minh Loan – Trưởng Bộ môn tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ; ThS. Nguyễn Thị Hồng Hà – Phó trưởng Bộ môn tiếng Anh Khoa Ngoại ngữ. Tới dự còn có đại diện giảng viên Bộ môn tiếng Anh tại các Trường đại học trực thuộc Đại học Thái Nguyên như: Trường đại học Khoa học; ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh; ĐH Nông lâm; ĐH Sư phạm.
Tại Hội nghị, Các báo cáo viên đã trình bày các nội dung chính của đề tài, chỉ rõ thực trạng dạy – học tiếng Anh tại các cơ sở đào tạo. Và chỉ ra mục tiêu xây dựng chương trình nhằm hệ thống số hóa bài giảng điện tử và quản trị chương trình, bài tập tiếng Anh trực tuyến trên cơ sở nền tảng hệ thống bài giảng text, hệ thống bài tập bổ trợ nâng cao và bộ ngân hàng đề thi thử theo định dạng bài thi quốc tế KET nhằm năng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy tiếng Anh và hoạt động tự học tiếng Anh cho người học qua hình thức học trực tuyến, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá các học phần tiếng Anh. Hệ thống cũng sẽ là giải pháp cơ bản giúp giải quyết vấn đề chuẩn năng lực ngoại ngữ đối với sinh viên không chuyên ngữ trong điều kiện đầu vào của sinh viên thấp và hạn chế về số lượng tiết học tập trung trên lớp.
Theo thống kê kết quả về thực trạng việc học tập và giảng dạy tiếng Anh tại các trường cho thấy phần lớn sinh viên không được học đầy đủ các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết tại các trường đang theo học. Tại Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông 80% sinh viên cho rằng mình không được học đầy đủ các kỹ năng. 60% sinh viên Đại học Y dược; 75% sinh viên Đại học Khoa học và 72% sinh viên Đại học sư phạm không được học đầy đủ các kỹ năng. Từ những số liệu trên cho thấy các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng được một mục đích cơ bản như trang bị kiến thức ngữ pháp, khả năng đọc tài liệu chuyên môn ở cấp độ đơn giản.
Do đó, mục đích cụ thể của Hội nghị là xây dựng hệ thống số hóa bài giảng điện tử trên cơ sở khai thác đa dạng các loại hình phần mềm nhằm xây dựng những bài giảng video, bài giảng trực tuyến hiệu quả, tiện ích cao và dễ tiếp cận đối với người đọc. Xây dựng hệ thống quản trị bài giảng E-learning trên cơ sở phần mềm chuyên biệt giúp người quản trị và các giảng viên có thể khai thác tối da trong xây dựng các bài giảng bản quyền của đơn vị. Xây dựng hệ thống tự học ngoại ngữ tăng cường trên cơ sở phần mềm chuyên biệt nhằm tạo dựng các khóa học trực tuyến, người học có thể thực hiện việc tự học mọi lúc, mọi nơi trên máy tính hoặc điện thoại…
Kết thúc Hội nghị, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia chuyên ngành tiếng Anh đã có những trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến giúp cho quá trình hoàn thiện chương trình và học liệu ngoại ngữ dành cho sinh viên không chuyên ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn Quốc tế ở các bước thực hiện tiếp theo.